Skip to main content
x
Đăng: 4 November 2020
Bởi: banbientap

Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu được ra đời khi ngành ngân hàng đã đi qua giai đoạn tái cơ cấu 2013 - 2015, bắt đầu triển khai đề án cơ cấu lại giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn liền với xử lý nợ xấu.

Nghị quyết được ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành lang pháp lý xử lý nợ xấu. Nghị quyếtđã tháo gỡ nhiều vướng mắc trong xử lý nợ xấu của các TCTD, đó là khẳng định quyền thu giữ tài sản bảo đảm của TCTD và công ty mua bán tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC); cho phép mua bán nợxấu và tài sản đảm bảotheo giá thị trường;mở rộng đối tượng mua bán nợ xấu đối với VAMC; cho phép Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm; quy định về phương thức xử lý nợ xấu trong trường hợp TSBĐ là quyền sử dụng đất, bất động sản bị kê biên; quy định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSĐB; quy định nghĩa vụ thuế, phí khi chuyển nhượng TSBĐ và phương thức phân bổ lãi dự thu, khoản chênh lệch khi bán nợ xấu của TCTD và VAMC…

Từ ngày 15/8/2017 đến nay, trải qua 03 năm đi vào thực tiễn, các giải pháp nêu tại Nghị quyết số 42 đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tạo niềm tin đối với hệ thống các TCTD nói riêng và toàn bộ xã hội nói chung với công tác xử lý nợ xấu trong nền kinh tế.Lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/5/2020, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 293,88 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, trong đó toàn hệ thống các Chi nhánh TCTD trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xử lý được 1,59 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.

Nghị quyết 42 sau khi ra đời đã giúp xử lý nợ xấu chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 còn nhiều hạn chế, vướng mắc như:Việc xử lý, thu hồi nợ và TSBĐ của một số TCTD còn khó khăn trong trường hợp tài sản bảo đảm cho các khoản nợ bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh; Việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm  tại Tòa án còn nhiều vướng mắc do hồ sơ pháp lý về tài sản bảo đảm chưa đáp ứng theo Nghị quyết số 42; Một số TCTD vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết số 42, thực hiện quyền áp dụng thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ về thuế khi xử lý TSBĐ và nộp án phí theo bản án, quyết định của tòa án các cấp…

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Chính phủ đã giao NHNN phối hợp với các bộ, ngành xem xét, nghiên cứu dự định sẽ luật hóa các quy định tại Nghị quyết 42 và đưa vào Luật các Tổ chức tín dụng.Nếu điều này được hiện thực hóa, các bên liên quan đều sẽ thuận lợi hơn trong quá trình xử lý nợ xấu, giúp tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều so với trước đây.

Nông Tùng Lâm - TTGSNH