Nhảy đến nội dung
x
Đăng: 17 April 2023
Bởi: banbientap

Ngày 14/11/2022, Quốc hội đã thông qua Luật số 11/2022/QH15 ban hành Luật Thanh tra 2022 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2023 thay thế Luật số 56/2010/QH12 (Luật Thanh tra 2010) hết hiệu lực từ ngày 30 tháng 6 năm 2023. Tại Luật Thanh tra 2022 mới có nhiều điểm sửa đổi, quy định mới cụ thể như sau:

       1. Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành

       Tại Điều 18 Luật Thanh tra 2022 quy định Thanh tra Tổng cục, Cục là cơ quan của Tổng Cục, Cục thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước mà Tổng cục, Cục được phân cấp quản lý; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên theo khoản 2 Điều 18, việc thành lập cơ quan thanh tra Tổng Cục, Cục thuộc Bộ không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ.

          2. UBND tỉnh có quyền thành lập Thanh tra sở

          Khoản 2 Điều 26 của Luật quy định thanh tra sở được thành lập. Việc cho phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được thành lập thanh tra sở cho phép sự chủ động hơn trong công tác tổ chức, quản lý (Luật Thanh tra 2010 thực hiện thành lập thanh tra sở theo ủy quyền) nhưng phải căn cứ theo luật định.

          3. Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục khác thuộc Bộ và tương đương, Chánh Thanh tra cơ quan thuộc Chính phủm Chánh Thanh tra tỉnh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

          Cụ thể tại khoản 1 Điều 116 có quy định theo đó Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục khác thuộc bộ và tương đương, Chánh Thanh tra cơ quan thuộc Chính phủ và Chánh Thanh tra tỉnh được bổ sung là một trong những chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2, khoản 3 Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020.

          4. Luật hóa các tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên; bỏ quy định cộng tác viên thanh tra

          Để luật hóa các tiêu chuẩn tại Điều 6, 7 và 8 Nghị định 97/2011/NĐ-CP Ngày 21/10/2011 Quy định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra tương ứng với từng ngạch, Luật Thanh tra 2022 đã đưa ra các tiêu chuẩn chung của các ngạch thanh tra viên chính là tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên (Điều 39) và đảm bảo các tiêu chuẩn riêng đối với các ngạch thanh tra viên chính (Điều 40), thanh tra viên cao cấp (Điều 41).

          Bên cạnh đó, quy định về cộng tác viên thanh tra tại Điều 35 Luật Thanh tra 2010 được lược bỏ trong Luật Thanh tra 2022.

          5.  Quy định mới về các trường hợp miễn nhiệm Thanh tra viên

          Theo khoản 1 Điều 42 Luật Thanh tra 2022 , việc miễn nhiệm Thanh tra viên được thực hiện trong trường hợp sau đây: Nghỉ hưu, thôi việc, chuyển ngành; Vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác mà không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao; Bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8 Luật Thanh tra 2022; Không hoàn thành nhiệm vụ 01 năm ở ngạch được bổ nhiệm; Người được bổ nhiệm có hành vi gian lận trong kỳ thi nâng ngạch hoặc kê khai không trung thực trong hồ sơ bổ nhiệm vào ngạch; Trường hợp khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức,              viên chức

          6. Không còn chế định Thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra 2022

          Hoạt động thanh tra nhà nước mang tính quyền lực nhà nước, khác với bản chất hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân là thiết chế để thực hiện quyền giám sát của nhân dân ở cơ sở. Vì vậy, chế định Thanh tra nhân dân đã được đưa ra khỏi Luật Thanh tra năm 2022 và được bổ sung vào Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Luật số 10/2022/QH15) được Quốc hội thông qua ngày 10/11/2022.

          7. Luật hóa quy định về các bước tiến hành hoạt động thanh tra

          Trước khi Luật Thanh tra 2022 có hiệu lực, trình tự, thủ tục một cuộc thanh tra được quy định tại Thông tư 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ Quy định về tổ chức, hoạt động của đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra. Qua thực tiễn áp dụng cho thấy hiệu quả nên đã được luật hóa để nâng cao hiệu lực, tạo sự thống nhất khi áp dụng. Các bước tiến hành thanh tra theo Luật thanh tra 2022 bao gồm: Chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra trực tiếp và kết thúc thanh tra trực tiếp, nội dung công việc khá cụ thể và đầy đủ trong các bước.

          8. Quy định rõ thời hạn ban hành kết luận thanh tra

          Luật Thanh tra 2010 không quy định thời gian ban hành kết luận thanh tra, điều này trên thực tế gây ra chậm trễ trong việc ban hành. Để chặt chẽ hơn trong công tác báo cáo, nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, Luật Thanh tra 2022 đã quy định rõ thời hạn ban hành kết luận thanh tra: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 78 của Luật Thanh tra 2022

          9. Sửa đổi nội dung giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra

          Trước đây nội dung này đã được quy định tại Điều 30 Thông tư 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ gồm 4 nội dung. Qua thực tiễn chứng minh tính hiệu quả, Điều này đã được luật hóa, bổ sung vào Luật Thanh tra 2022, lược bỏ đi 1 khoản nhằm phù hợp hơn. Nội dung cụ thể của việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra được quy định tại Điều 98 Luật Thanh tra 2022.

          10. Về phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước và hoạt động điều tra

          Tại chương VI Luật Thanh tra 2022 quy định: Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, cơ quan kiểm toán nhà nước và cơ quan điều tra có trách nhiệm phối hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra, góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong quản lý nhà nước.

          Điểm mới này giúp xử lý trường hợp bị chồng chéo, trùng lặp từ các khâu, các giai đoạn có mối quan hệ với nhau giữa hoạt động thanh tra, hoạt động kiểm toán nhà nước và hoạt động điều tra

          Luật Thanh tra có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2023./.

Người viết: Đỗ Minh Long - TTGSNH