Nhảy đến nội dung
x
Đăng: 29 March 2024
Bởi: banbientap

Sáng ngày 28/3/2024, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị giao ban ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh quý I năm 2024. Tham dự Hội nghị có các đồng chí trong Ban Lãnh đạo NHNN Chi nhánh, các đồng chí Trưởng phòng, phó Trưởng phòng chuyên môn, cùng Giám đốc, Trưởng phòng nghiệp vụ các chi nhánh Tổ chức tín dụng trên địa bàn.

...

Ảnh: Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, NHNN Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn đã điểm qua một số nội dung trọng tâm trong báo cáo kết quả hoạt động ngân hàng quý I năm 2024. Qua đó, chỉ ra các kết quả đạt được của ngành Ngân hàng trên địa bàn như:

NHNN Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng; chỉ đạo, điều hành hoạt động ngân hàng trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật; tham mưu có hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền địa phương, NHNN Việt Nam những vấn đề liên quan đến hoạt động ngân hàng, triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách có liên quan đến hoạt động ngân hàng theo chủ trương của Chính phủ, định hướng của NHNN và của chính quyền địa phương, thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng.

Các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn cơ bản thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động, chưa phát sinh các vụ việc tiêu cực, tham nhũng. Hoạt động ngân hàng bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đạt được còn có những tồn tại, hạn chế như:

(1) Tín dụng toàn địa bàn giảm 3,68% so với cuối năm 2023.

Nguyên nhân một phần do yếu tố thời vụ, nhu cầu và tín dụng thường tăng nhanh vào dịp cuối năm và thời điểm dịp tết nguyên đán, dẫn tới 3 tháng đầu năm khó tăng trưởng quy mô tín dụng. Bên cạnh đó, nguyên nhân chính dẫn đến TCTD tín dụng tăng trưởng chậm là do cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng cao, thiếu đơn hàng, nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cao nên không có nhu cầu vay vốn; người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu; một số nhóm khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn.

 (2) Kết quả thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ chưa đạt kết quả.

Hiện nay, địa bàn tỉnh Lạng Sơn chỉ có 01 dự án nhà ở xã hội nhưng chủ đầu tư chưa có nhu cầu vay vốn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Do đó, việc triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với chủ đầu tư dự án trên địa bàn là chưa thực hiện được.

Đối với việc vay vốn của người mua nhà, khách hàng nhu cầu vay vốn trên địa bàn phần lớn đã tiếp cận vốn tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài ra, lãi suất cho vay đối với người mua nhà tại Chương trình còn ở mức tương đối cao so với khả năng tài chính của khách hàng.

Qua lắng nghe các nội dung trong báo cáo hoạt động Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn quý I và phương hướng, nhiệm vụ quý II năm 2024, các Chi nhánh TCTD trên địa bàn đã tích cực đưa ra ý kiến thảo luận, đánh giá các mặt được, hạn chế, nguyên nhân và kiến nghị các giải pháp trong thời gian tới, tập trung trao đổi những vấn đề trọng tâm như huy động vốn, cho vay, nợ xấu....để đảm bảo mục tiêu phát triển của ngành ngân hàng nói riêng và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.

...

Ảnh: Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Để hoạt động ngân hàng trong thời gian tới tiếp tục diễn ra hiệu quả, thông suốt, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các chi nhánh Tổ chức tín dụng trên địa bàn:

  1. Chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo của NHNN Việt Nam, NHNN Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn trong quá trình hoạt động. Chủ động xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh và kịp thời báo cáo, đề xuất cụ thể (nhất là trong việc áp dụng các văn bản pháp luật, của Ngân hàng Nhà nước) với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn để biết, có biện pháp hỗ trợ hoặc đề nghị cấp trên xem xét, giải quyết.
  2. Quan tâm, theo dõi, xem xét và giải quyết các vướng mắc, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của khách hàng, người dân trên địa bàn về những vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động tại đơn vị để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời, dứt điểm.
  3. Nghiêm cấm hành vi “ép buộc” mua bảo hiểm gắn với cấp tín dụng cho khách hàng. Đồng thời cần nghiêm túc trong việc giới thiệu, giải thích cho người dân hiểu đầy đủ, chính xác về các sản phẩm tài chính như trái phiếu, bảo hiểm, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi…giúp người dân phân biệt rõ ràng được sự khác nhau giữa các loại hình này và lựa chọn kênh đầu tư phù hợp. Hạn chế tối đa việc phát sinh đơn thư.
  4. Áp dụng các biện pháp để hạn chế tối đa việc tăng nợ xấu, đồng thời đảm bảo việc tăng trưởng tín dụng đi đối với nâng cao chất lượng tín dụng.
  5. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN Lạng Sơn tại Công văn số 80/LAS-TH,NS&KSNB ngày 18/01/2024 v/v triển khai thực hiện các khuyến nghị tại Hội nghị công bố Bộ chỉ số DDCI năm 2023 và Kế hoạch số 188/KH-LAS ngày 23/02/2024 kế hoạch khắc phục hạn chế năm 2023 và thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố của NHNN Lạng Sơn năm 2024 nhằm nâng cao các chỉ số giảm thứ tự xếp hạng so với năm 2022 và phấn đấu nâng cao các chỉ số có điểm số được đánh giá ở mức tốt để duy trì tốt các chỉ số của ngành ngân hàng đặc biệt là chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”.
  6. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN Lạng Sơn tại Công văn số 111/LAS-TH,NS&KSNB về thực hiện Chỉ thị số 01/CT-NHNN, 02/CT-NHNN ngày 15/01/2024 của NHNN VN và Quyết định số 136/QĐ-UBND ngày 19/01/2024 của UBND tỉnh trong đó chú trọng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động cấp tín dụng theo quy định.

Tích cực, quyết liệt, đẩy mạnh triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng (nay được nâng lên là 30.000 tỷ đồng) cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản;

Chủ động triển khai, tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp bằng hình thức phù hợp. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

  1. NHCSXH tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp nhằm huy động các nguồn lực, quản lý và sử dụng vốn để thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Đẩy mạnh việc nhận vốn ủy tác tại địa phương, huy động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân trên thị trường, làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn… nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn giải ngân các chương trình tín dụng chính sách. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nâng cao chất lượng công tác quản lý và xử lý nợ. Tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2025.
  2. Thực hiện công bố công khai lãi suất cho vay bình quân, lãi suất cho vay các chương trình tín dụng, chương trình tín dụng ưu đãi và các loại lãi suất cho vay khác (nếu có) trên các trang thông tin điện tử hoặc khuyến khích có thể công khai trên cả Fanpage của ngân hàng.
  3. Tích cực phối hợp với Sở LĐTB&XH, Phòng LĐTB&XH các huyện đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chi trả trợ cấp bằng hình thức không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng.
  4. Quan tâm đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, hiểu biết cho khách hàng về điều hành chính sách tiền tệ, các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Giới thiệu đầy đủ, kịp thời các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích và các chương trình, chính sách đang triển khai của ngân hàng để khách hàng nắm bắt thông tin từ đó có cách thức tiếp cận vốn./.