Nhảy đến nội dung
x
Đăng: 19 April 2024
Bởi: banbientap

          Trong thời gian vừa qua, diễn biến tỷ giá liên tục tăng nhận được sự quan tâm lớn của thị trường. Giá bán ra của các ngân hàng đã có thời điểm tiến rất sát mức trần do NHNN quy định. Theo Quy định với giao động +/- 5%, hiện tỷ giá được phép giao dịch trong khoảng từ 22.935 đồng/USD đến 25.348 đồng/USD. Tuy nhiên, với thông điệp sẵn sàng can thiệp vào thị trường khi cần thiết của NHNN, cùng việc hút tiền trở lại của cơ quan điều hành thông qua chào bán tín phiếu và chỉ số USD-Index giảm được kì vọng sẽ mang tới tác động tích cực trong nỗ lực hạ nhiệt tỷ giá.

Lý giải cho nguyên nhân dẫn tới việc tỷ giá tăng cao trong thời gian vừa qua, giới chuyên môn nhận định nền kinh tế Mỹ vẫn đang rất mạnh, thêm nữa việc lạm phát tăng trở lại trong các tháng đầu năm cũng khiến cho Fed chưa có dấu hiệu giảm lãi suất trong tương lai gần, dẫn tới giá của đồng USD tăng cao trên thị trường quốc tế. Trong khi tín dụng trong nước tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm khiến thanh khoản của hệ thống dư thừa, đẩy lãi suất VND giảm sâu trên thị trường liên ngân hàng; cùng với đà tăng trưởng xuất nhập khẩu, nhu cầu ngoại tệ nhằm phục vụ cho việc thanh toán cũng nhiều hơn giai đoạn trước.

Tuy nhiên, nếu so sánh mức độ mất giá với đồng USD thì VND vẫn khả quan hơn nhiều so với các nước lớn và nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, trong khi tỷ lệ mất giá so với đồng USD của VND là khoảng 2,6% thì các đồng Bath Thái, đồng Won Hàn Quốc và đồng Yên Nhật mất giá lần lượt là 5,93%; 3,88%; 7,52%.

Giới chuyên môn đánh giá từ đầu năm đến nay, NHNN điều hành tỷ giá rất chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường. Việc phát hành tín phiếu nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VND và tăng lãi suất liên ngân hàng thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất VND với USD cũng đã được NHNN thực hiện rất kịp thời, qua đó giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá. Nhìn chung, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và xu hướng của các đồng tiền quốc tế so với USD.

Tất nhiên trong bối cảnh phải chịu sức ép từ nhiều phía, việc tỷ giá tăng là khó tránh khỏi. Song, giới phân tích nhận định, áp lực chỉ là ngắn hạn và sẽ dịu đi vào cuối năm, bởi lẽ cung - cầu ngoại tệ được bảo đảm với nguồn cung ngoại tệ dồi dào nhờ thặng dư thương mại ước đạt 33-38 tỷ USD trong năm 2024; du lịch quốc tế dự đoán sẽ đón từ 17-18 triệu lượt khách, tăng 35%; giải ngân FDI dự kiến tăng 8-12% so với năm trước; kiều hối dự kiến tăng 15-20% so với năm 2023; điều hành tỷ giá linh hoạt; kỳ vọng mức tăng tỷ giá USD/VND trong năm 2024 sẽ không quá 2,5%. Ngoài các công cụ điều chỉnh tỷ giá bằng chính sách tiền tệ, hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam khá dồi dào, tính tới cuối 2023 là khoảng 100 tỷ USD.

Dù vẫn trong tầm kiểm soát, song lãnh đạo NHNN khẳng định, NHNN luôn nhìn nhận các công tác điều hành tỷ giá là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng và tập trung. Trong thời gian tới, NHNN sẽ duy trì cơ chế điều hành linh hoạt, đảm bảo làm sao để tỷ giá có thể lên xuống phù hợp với xu thế chung và cũng đảm bảo được mục tiêu đặt ra. Đó là sự ổn định giá trị đồng tiền, luôn luôn duy trì được trạng thái dương cũng như đảm bảo cân đối ngoại tệ cho các nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, hiện NHNN đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 5 Thông tư số 02/2021/TT-NHNN theo hướng: cơ sở xác định tỷ giá kỳ hạn giữa VND với USD trong giao dịch kỳ hạn, giao dịch kỳ hạn trong giao dịch hoán đổi sẽ không quy định cụ thể tại Thông tư mà được quy định tại quyết định do Thống đốc NHNN ban hành trong từng thời kỳ.

Theo nhận định từ giới chuyên môn, cách xác định tỷ giá kỳ hạn hiện tại dựa hoàn toàn vào sự chênh lệch giữa lãi suất VND và lãi suất USD. Bởi vậy việc sửa đổi này khi được ban hành sẽ loại bỏ cách xác định dựa trên ngang bằng lãi suất, giúp tỷ giá hoạt động trên nguyên lý thị trường hơn, qua đó loại bỏ tâm lý găm giữ ngoại tệ./.

Nguyễn Hữu Phước – NHNN Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn