Nhảy đến nội dung
x
Đăng: 29 December 2022
Bởi: banbientap

Trong những năm qua nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ thuận lợi, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực thi tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chi Lăng đã mở 20 điểm giao dịch và đặt lịch giao dịch cố định hàng tháng tại trụ sở UBND của 20 xã, thị trấn trên địa bàn huyện để phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách. Vào ngày giao dịch cố định hằng tháng, Tổ giao dịch của ngân hàng đến trụ sở UBND xã để thực hiện cho vay, thu nợ, thu lãi, nhận tiền gửi,  xử lý nợ rủi ro, nợ quá hạn…; tổ chức họp giao ban với các Hội, đoàn thể nhận ủy thác, các Tổ trưởng Tổ TK&VV và chính quyền cấp xã.

anh 1

(Hình ảnh Cán bộ ngân hàng giao dịch với khách hàng tại xã)

Tại các Điểm giao dịch xã, NHCSXH thực hiện việc công khai về các chính sách, các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, các quy trình, thủ tục của NHCSXH, danh sách hộ vay vốn, số dư nợ, thời hạn trả nợ của từng người vay và nội quy giao dịch để chính quyền địa phương, các tổ chức Hội, đoàn thể và người dân cùng biết để giám sát hoạt động tín dụng chính sách.

anh 2

(Hình ảnh người dân đang tìm hiểu các thông tin chính sách tín dụng ưu đãi được NHCSXH niêm yết công khai tại xã Vân An)

Thực hiện phương châm hoạt động “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” và tinh thần “phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã” do đó phòng giao dịch NHCSXH huyện Chi Lăng luôn chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại xã. Đơn vị đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Tham mưu Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện chỉ đạo Lãnh đạo UBND xã thường xuyên bố trí tham gia giao ban với ngân hàng để nắm bắt, tháo gỡ kịp thời các vấn đề vướng mắc; chỉ đạo Công an xã phối hợp với ngân hàng thực hiện tốt phương án bảo vệ của tổ giao dịch; các tổ chức hội nhận ủy thác thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ theo quy định tại buổi giao dịch; các tổ Tiết kiệm và vay vốn thực hiện tốt việc thu lãi, thu tiết kiệm của tổ viên, chuẩn bị đầy đủ các nội dung trước khi đến giao dịch, thông báo, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ viên thực hiện giao dịch với ngân hàng. Về phía ngân hàng thường xuyên đổi mới tác phong, lề lối làm việc để đảm bảo luôn khoa học, hiệu quả, tận tâm, tận tụy với khách hàng; Lãnh đạo phòng giao dịch thường xuyên kiểm tra giám sát hoạt động giao dịch xã định kỳ hoặc đột xuất bằng hình thức trực tiếp hoặc giám sát qua hệ thống camera để chấn chỉnh kịp thời các sai sót. Bên cạnh đó, ngân hàng thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng cho Ban quản lý tổ trong thực hiện nhiệm vụ; thường xuyên củng cố thay thế các tổ trưởng có năng lực hạn chế, không đủ sức khỏe, thiếu trách nhiệm để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giao dịch xã.

Thông qua hệ thống màng lưới Điểm giao dịch và hoạt động của Tổ giao dịch xã đã có trên 90% tổng giá trị giao dịch của NHCSXH với người nghèo và các đối tượng chính sách được thực hiện một cách thuận lợi tại xã, nơi mà họ đang cư trú với tổng dư nợ cho vay trên địa bàn huyện đạt hơn 347 tỷ đồng với hơn 6.200 hộ vay. Thông qua hoạt động này, NHCSXH đã đưa đồng vốn tín dụng chính sách đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách một cách nhanh nhất, hạn chế được tiêu cực phát sinh trong hoạt động cho vay ưu đãi, đồng thời tiết giảm được chi phí đi lại cho người dân, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và làm quen với các dịch vụ Ngân hàng. Nhờ tổ chức tốt hoạt động giao dịch tại xã , đến thời gian qua, công tác tín dụng đã phát huy được hiệu quả, chất lượng tín dụng được nâng lên, tỷ lệ nợ quá hạn hàng năm đều giảm (đến nay chỉ chiếm 0,02% tổng dư nợ, thấp hơn bình quân chung toàn tỉnh), tỷ lệ thu lãi hằng năm luôn đạt từ 99% trở lên, huy động tiền gửi tiết kiệm qua tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 100% chỉ tiêu giao.

 Thời gian tới, NHCSXH huyện Chi Lăng tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tại các Điểm giao dịch xã; tăng cường rà soát, cập nhật các văn bản, quy định, chính sách mới tại các điểm giao dịch để người dân nắm bắt, tiếp cận các nguồn vốn vay nhanh chóng. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan lồng ghép vốn tín dụng chính sách với các mô hình khuyến nông, khuyến lâm; chuyển giao khoa học kỹ thuật và các nguồn vốn khác để giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn có hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống./.

Người viết: Quách Thanh Huyền- NHCSXH huyện Chi Lăng