Nhảy đến nội dung
x
Đăng: 13 July 2021
Bởi: banbientap

Ở Việt Nam hiện nay rất nhiều mạng xã hội đang được sử dụng công khai với số lượng người sử dụng đông đảo như Facebook, Zalo, Instagram,…Đây là điều kiện thuận lợi để các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản giờ đây không chỉ thông qua các hành vi vay, mượn tiền, tài sản đơn thuần mà đã biến tướng dưới nhiều dạng hành vi khác phức tạp và tinh vi hơn, đặc biệt là thông qua mạng xã hội. Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, hạn chế đi lại, người dân sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến, các đối tượng cũng gia tăng hoạt động phạm tội với những thủ đoạn chủ yếu trong thời gian gần đây như sau:

- Đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho khách hàng với lý do hỗ trợ kiểm tra số dư và giao dịch của khách hàng. Theo đó, sau khi đọc tên khách hàng và 6 số đầu tiên của thẻ ghi nợ nội địa, đối tượng yêu cầu khách hàng đọc nốt dãy số còn lại trên thẻ để xác nhận khách hàng đúng là chủ thẻ; sau đó thông báo ngân hàng sẽ gửi tin nhắn cho khách hàng và yêu cầu khách hàng đọc mã 6 số trong tin nhắn (thực chất là OTP để thực hiện giao dịch thanh toán trực tuyến). Trường hợp khách hàng thực hiện theo yêu cầu của đối tượng thì có thể gây rủi ro mất tiền trong tài khoản thẻ của khách hàng.

- Đối tượng chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của khách hàng, sau đó mạo danh ngân hàng gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn (hiển thị tên thương hiệu ngân hàng) cho khách hàng thông báo giao dịch chuyển tiền bị treo và yêu cầu khách hàng truy cập vào đường dẫn Internet (đường link) trong tin nhắn để tra soát giao dịch, xác nhận thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền…nhằm lừa đảo khách hàng cung cấp thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử (như tên truy cập, mật khẩu, OTP), sau đó chiếm quyền kiểm soát tài khoản của khách hàng. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn lập trang web mạo danh ngân hàng để tiếp nhận và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, nhằm thu thập thông tin cá nhân, lịch sử giao dịch và tài khoản ngân hàng.

- Đối tượng gửi thư điện tử giả mạo ngân hàng (thư điện tử có chứa tên ngân hàng và chữ ký thư điện tử của nhân viên ngân hàng) thông báo khách hàng nhận được một khoản tiền và yêu cầu khách hàng xác nhận giao dịch bằng cách truy cập vào tệp (file) hoặc đường link có chứa mã độc gửi kèm trong thư điện tử nhằm chiếm đoạt thông tin và tiền trong tài khoản của khách hàng.

- Khách hàng nhận được một khoản tiền chuyển vào tài khoản thanh toán tại ngân hàng với nội dung cho vay, sau đó đối tượng gọi điện cho khách hàng báo vừa chuyển nhầm và yêu cầu khách hàng chuyển trả lại tiền (tài khoản nhận tiền lúc này khác với tài khoản đã chuyển nhầm); sau một thời gian, người chủ tài khoản chuyển nhầm sẽ đòi tiền khách hàng cùng với lãi tiền vay. Trong một số trường hợp, đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng thông báo có người chuyển nhầm tiền vào tài khoản của khách hàng và hướng dẫn thủ tục hoàn trả, theo đó gửi đường link yêu cầu khách hàng điền thông tin cá nhân (bao gồm các thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử), sau đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

- Đối tượng gửi tin nhắn mạo danh thương hiệu ngân hàng đến khách hàng (tin nhắn này được nhận, lưu trong cùng mục với các tin nhắn của ngân hàng trên điện thoại di động của khách hàng) để thông báo tài khoản của khách hàng có dấu hiệu hoạt động bất thường và hướng dẫn khách hàng xác nhận thông tin, thay đổi mật khẩu…thông qua đường link truy cập giả mạo gửi kèm trong tin nhắn, qua đó lừa đảo khách hàng tiết lộ các thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử (tên truy cập, mật khẩu, mã OTP) để sử dụng chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

- Đối tượng mạo danh công ty tài chính mời khách hàng vay vốn, hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động (như ứng dụng Auto Cash…) để giải ngân một khoản tiền “ảo” (không có thực) kèm theo việc hiển thị hợp đồng tín dụng với con dấu giả, chữ ký giả của người có thẩm quyền của công ty tài chính nhằm lừa đảo khách hàng chuyển khoản đặt cọc để chiếm đoạt.

- Đối tượng mạo danh nhân viên nhà mạng liên hệ và đề nghị hỗ trợ chuyển đổi sim 3G thành sim 4G qua điện thoại, theo đó đối tượng hướng dẫn cách nhắn tin theo cú pháp của nhà mạng để chuyển đổi nhưng thực tế đây là yêu cầu chuyển đổi từ sim 3G (do khách hàng sử dụng) lên sim 4G của đối tượng lừa đảo. Nếu khách hàng làm theo hướng dẫn, đối tượng sẽ chiếm đoạt được quyền sử dụng số điện thoại. Khi có được thông tin cá nhân và số điện thoại di động, đối tượng liên hệ nhà mạng với tư cách là chủ thuê bao di động để yêu cầu thay thế SIM với lý do bị mất thẻ SIM hoặc thẻ bị lỗi. Nhà cung cấp dịch vụ di động hủy SIM hiện có và phát hành SIM mới. Trường hợp số điện thoại được khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử và nhận thông tin giao dịch, mã OTP thì có thể gây rủi ro mất tiền trên tài khoản của khách hàng.

Trước tình hình đó, ngành Ngân hàng đã chủ động, tích cực phát huy vai trò và phi hợp vi các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chng, ngăn ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán, hoạt động cho vay qua ứng dụng mạng xã hội,... góp phđảm bo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lạng Sơn đã ban hành các văn bản cảnh báo gửi các Chi nhánh TCTD trên địa bàn: Văn bản số 1387/LAS-TTGSNH ngày 04/12/2020 V/v cảnh báo đối với hoạt động cho vay tiêu dùng qua ứng dụng mạng xã hội; Văn bản số 53/LAS-TTGSNH ngày 13/01/2021 V/v tăng cường phòng, ngừa đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, Internet; Văn bản số 557/LAS-TTGSNH ngày 27/5/2021 V/v tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật và báo cáo hoạt động phát hành, sử dụng thẻ ngân hàng,..

Bên cạnh đó, NHNN chi nhánh tỉnh Lạng Sơn cũng phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông trong công tác quản lý các thông tin liên quan đến hoạt động ngân hàng trên mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp; tăng cường công tác truyền để ngườu dân biết, hiểu và cảnh giác các hoạt động quảng cáo trái phép liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp của các cá nhân, tổ chức lợi dụng, mạo danh tổ chức tín dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; thông tin đến người dân danh sách các Chi nhánh TCTD được NHNN Việt Nam cấp phép thành lập và hoạt động trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được đăng tải trên website chính thức của NHNN Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn http://nganhangnhanuoc.langson.gov.vn/

Để tránh trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo trực tuyến, người dân sử dụng mạng xã hội cần luôn tỉnh táo, cảnh giác. Không tin vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng với yêu cầu nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng. Tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn/email lạ hoặc không rõ nguồn gốc. Đồng thời, tuyệt đối bảo mật thông tin, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên Internet... cho bất kỳ người lạ nào gọi đến. Không chuyển tiền cho bất cứ ai, bất cứ yêu cầu nào khi không có căn cứ cụ thể, rõ ràng bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết... Người dân cần phải đề cao cảnh giác khi sử dụng mạng xã hội, tích cực thông tin, tố giác kịp thời đến cơ quan chức năng khi phát hiện tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội./.

Phương Loan - TTGSNH