Nhảy đến nội dung
x
Đăng: 22 February 2022
Bởi: banbientap

Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.Sau hai năm triển khai thực hiện, về cơ bản, tất cả các nhiệm vụ Chiến lược đặt ra đều được triển khai theo đúng lộ trình. Những kết quả nổi bật có thể tóm tắt dưới đây.

Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý không ngừng được hoàn thiện tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu của tài chính toàn diện.

Các bộ, ngành đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 01 Nghị quyết, 04 Nghị định, 04 Quyết định và trực tiếp ban hành 17 Thông tư, tạo cơ sở pháp lý ngày càng đồng bộ cho việc triển khai thực hiện Chiến lược như:trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị định, Quyết định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương, triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025…..

Các bộ, ngành đã kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định liên quan đến cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, nhất là các dịch vụ tài chính số như cho phép mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử thông qua xác thực khách hàng bằng eKYC, không cần gặp mặt trực tiếp; các quy định về TTKDTM; quy định về đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán; các quy định về thanh tra, giám sát ngân hàng…tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho các đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện.

Ngân hàng Nhà nước cũng đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành các Nghị định: (i) Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về TTKDTM, trong đó dự kiến bổ sung các chính sách liên quan đến hoạt động đại lý thanh toán (một trong các hoạt động của đại lý ngân hàng); quy định về khái niệm tiền điện tử, hình thức thể hiện của tiền điện tử; (ii) Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Thứ hai, các tổ chức cung ứng dịch vụ tiếp tục phát triển mạng lưới hoạt động, hiện diện tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước; các kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được phát triển khá đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, nhất là người dân sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Các tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp phát triển mạng lưới giao dịch; sắp xếp lại mạng lưới hoạt động tại nơi có mật độ mạng lưới lớn, hoạt động chưa hiệu quả theo hướng chuyển sang các địa bàn có mạng lưới giao dịch mỏng hoặc chưa có chi nhánh, phòng giao dịch trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hoạt động. Đồng thời, sắp xếp mạng lưới ATM trên toàn quốc hợp lý hơn, hướng tới những địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Các định chế tài chính chuyên biệt có định hướng hoạt động phù hợp với mục tiêu của tài chính toàn diện gồm Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân chú trọng nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành, năng lực cung ứng dịch vụ, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Hệ thống các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô được tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động, tiếp tục tăng trưởng ổn định, duy trì tỷ lệ thu hồi nợ cao.

Các kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, trên thiết bị di động đi kèm với các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin được các tổ chức cung ứng dịch vụ chú trọng phát triển.

Thứ ba, các sản phẩm, dịch vụ tài chính, nhất là các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện được chú trọng phát triển.

Bên cạnh các sản phẩm, dịch vụ truyền thống, rất nhiều sản phẩm, dịch vụ đã được nghiên cứu triển khai như dịch vụ mở tài khoản trực tuyến bằng phương thức điện tử eKYC, tài khoản thanh toán không chịu phí duy trì tài khoản và số dư tài khoản tối thiểu, liên kết với thẻ ATM; dịch vụ tiền gửi tiết kiệm trực tuyến, lãi suất, cách thức gửi tiền đa dạng, linh hoạt; thanh toán trực tuyến thuế, phí, lệ phí, bảo hiểm xã hội trên Cổng dịch vụ công quốc gia; các sản phẩm cho vay tiêu dùng có lãi suất hợp lý; đầu tư, vay vốn, tài trợ thương mại trên các kênh số; dịch vụ chăm sóc khách hàng tự động với công nghệ AI; …

...

EKYC giúp khách hàng mở tài khoản không cần đến quầy giao dịch

Các tổ chức tín dụng tiếp tục cân đối, tập trung nguồn vốn cho các chương trình tín dụng đặc thù phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

Thứ tư, cơ sở hạ tầng tài chính được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện để gia tăng hiệu quả đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của nền kinh tế.

Các hệ thống thanh toán quan trọng như Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng đã chuyển từ mô hình xử lý phân tán với 05 Trung tâm xử lý khu vực về 01 Trung tâm xử lý quốc gia duy nhất, bổ sung thêm các dịch vụ, nâng cấp phần mềm các thành viên để đáp ứng yêu cầu xử lý khối lượng lớn dữ liệu; Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch thanh toán bán lẻ được đưa vào vận hành chính thức.

Bộ Công an đã chính thức vận hành hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 1/7/2021; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, tạo điều kiện cho các bộ, ngành liên quan kết nối, chia sẻ để sử dụng danh tính điện tử, tài khoản định danh điện tử, phục vụ xác minh thông tin khách hàng.

Hạ tầng thông tin tín dụng đạt được bước phát triển rõ rệt với độ phủ thông tin ngày càng mở rộng, nâng cao cả về số lượng và chất lượng thông tin.Theo Báo cáo đánh giá môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2020, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đã tăng lên thứ 25/190 quốc gia và vùng lãnh thổ và đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN.

Với việc triển khai tích cực, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược đã giúp nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của các đối tượng hưởng lợi.Đến nay số lượng chi nhánh, phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng bình quân/100.000 người trưởng thành đạt trên 17 đơn vị; tỷ lệ xã/thị trấn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính trên tổng số xã/thị trấn trên toàn quốc (không tính điểm cung ứng dịch vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội) đạt trên 31%; số lượng máy ATM bình quân/100.000 người trưởng thành đạt gần 27 máy; số lượng máy POS bình quân/100.000 người trưởng thành đạt trên 379 máy; tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng đạt khoảng 64%; và tỷ lệ người trưởng thành có thông tin về lịch sử tín dụng trong hệ thống thông tin tín dụng  đạt 52%.

...

Vay được vốn ngân hàng giúp người nông thôn, người nghèo tránh được vòng luẩn quẩn khi phải đi vay ở khu vực không chính thức với lãi suất cao khiến cho gánh nặng trả nợ càng cao

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Chiến lược còn một số tồn tại, hạn chế.

Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý hiện hành còn bất cập, chưa bắt kịp đòi hỏi của thực tiễn, nhất là trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, xuất hiện thêm các kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính mới dựa trên đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro.

Thứ hai, các sản phẩm, dịch vụ tài chính cần tiếp tục được đa dạng hóa, thiết kế phù hợp hơn để đáp ứng nhu cầu của một số phân khúc khách hàng là đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện; TTKDTM mặc dù đã đạt được những kết quả đáng kể, tuy nhiên một bộ phận dân cư, đặc biệt là nhóm người cao tuổi, người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn chưa sử dụng phổ biến hình thức thanh toán này; các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ vốn của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đạt được như kỳ vọng.

Thứ ba, tiếp tục đẩy nhanh khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân trong việc định danh, xác thực khách hàng để giúp các tổ chức tín dụng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính số. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu về tài chính toàn diện vẫn chưa hoàn thiện, tạo không ít khó khăn cho công tác giám sát, đánh giá việc thực thi các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược.

Do vậy, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược./.

 

Lý Minh Hạnh – Chuyên viên Thanh tra, giám sát ngân hàng