Skip to main content
x
Đăng: 25 November 2020
Bởi: banbientap

Hiện nay, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trở thành xu thế tất yếu bởi nó mang lại rất nhiều lợi ích cho cả người dân và nền kinh tế, do vậy Chính phủ và NHNN Việt Nam thường xuyên quan tâm chỉ đạo tăng cường thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong tất cả các mặt của đời sống xã hội.

Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao tại kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 10/4/2018 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và để thúc đẩy hơn nữa hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn, ngày 09/11/2020, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lạng Sơn đã chủ trì phối hợp với một số cơ quan, đơn vị tổ chức buổi làm việc nhằm đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tham dự buổi làm việc có đại diện các Sở, ngành, đơn vị: Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Công ty điện lực Lạng Sơn, Công ty cổ phần cấp thoát nước Lạng Sơn; Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lạng Sơn và lãnh đạo một số chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn (Ngân hàng No&PTNT, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng TMCP Công thương, Ngân hàng TMCP Ngoại thương, Ngân hàng TMCP An Bình, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín, Ngân hàng TMCP Quân đội).

Các đại biểu tham dự buổi làm việc triển khai thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng

Qua báo cáo cho thấy, sau 02 năm triển khai Kế hoạch 76, một số chỉ tiêu về thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt đã vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, cụ thể như: Tổng số tiền thuế trên địa bàn thanh toán qua ngân hàng từ năm 2018 đến hết tháng 10 năm 2020 chiếm 98,2% tổng số thuế thu được; 100% các khoản thu thuế, phí, lệ phí của Hải quan Lạng Sơn được thực hiện thông qua các ngân hàng thương mại, kho bạc nhà nước; Trên địa bàn đã có 29,6% tổng số khách hàng của ngành điện với tỷ lệ doanh số thanh toán không dùng tiền mặt toàn địa bàn đạt 67,9%, riêng địa bàn thành phố tỷ lệ đạt 85,5%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra; Hiện nay, 12/16 cơ sở khám chữa bệnh công lập thuộc Sở Y tế đã lắp được 17 thiết bị chấp nhận thẻ; 03 đơn vị lắp đặt 06 máy thanh toán ứng dụng mã QR đạt tỉ lệ 75%, toàn bộ nguồn thu viện phí do cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện thanh toán thông qua các ngân hàng thương mại; Tổng số tiền chi trả BHXH qua ngân hàng chiếm tỷ lệ là 23,9% tổng, riêng địa bàn thành phố Lạng Sơn, tổng số tiền chi trả chiếm 36,8% ...

Để đạt được kết quả trên là nhờ có sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, sự quyết tâm, nỗ lực của các sở, ban, ngành và hệ thống ngân hàng trên địa bàn. Tuy nhiên, việc thực hiện thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng chỉ là một trong số những hình thức thanh toán để khách hàng lựa chọn nên nhiều khách hàng vẫn có thói quen lựa chọn hình thức thanh toán truyền thống là sử dụng tiền mặt; bên cạnh đó, người dân ở khu vực nông thôn, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa trình độ dân trí còn thấp, nên chưa phát sinh nhu cầu thanh toán qua ngân hàng, do vậy vẫn còn một số chỉ tiêu theo kế hoạch vẫn chưa đạt. Để đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng trong thời gian tới, các đơn vị đã đưa ra một số giải pháp chủ yếu, như: Ngành Ngân hàng tiếp tục quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp, thuận lợi cho khách hàng trong thu, nộp thuế, thanh toán hóa đơn định kỳ (tiền điện, tiền nước, học phí), viện phí, chi trả lương, trợ cấp từ bảo hiểm xã hội; các đơn vị sở, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến người dân; tăng cường sự phối với hệ thống ngân hàng trong triển khai thanh toán dịch vụ công.

Hoàng Bích Diệp - NHNN